8 kỹ năng cần phải học trước tuổi 30
Hiện tại 8x 9x 10x chúng ta – thế hệ vàng của đất nước, muốn thích nghi với thời đại, chạy theo xu thế công nghệ để cạnh tranh cọ xát với xã hội không ngừng phát triển thì bạn cần phải liên tục đổi mới nâng cao tư duy và muốn phát triển bản thân để có được những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp bạn không thể bỏ qua bài viết sau. Ngoài những kỹ năng khác cần trau dồi thêm, trước tiên bạn cần xem ngay:
8 kỹ năng cần học ngay trước tuổi 30
1. Kỹ năng về TƯ DUY PHẢN BIỆN
Khi đi du học, mình nhận ra một điểm chung của đa số các sinh viên nước ngoài – những nước có nền giáo dục phát triển lâu đời, rằng họ thường không dễ dàng chấp nhận ý kiến của người khác. Họ liên tục đặt câu hỏi với những gì họ nghe được từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, và cả những gì họ đọc được trong sách vở. Họ sử dụng logic và những lập luận để lật lại vấn đề, và để bảo vệ chính kiến, quan điểm của họ. Ở nước phát triển, người ta đánh giá cao điều đó. Ngược lại, ở đa phần các nước châu Á trong đó có Việt Nam, kiểu tư duy như vậy thường được cho là đi ngược lại với truyền thống giáo dục. Ở trường lớp chúng ta học theo lối mòn thầy nói, trò chép; Ở nhà chúng ta được dạy rằng bố mẹ nói, con cái phải nghe; Nói chung, chúng ta phải học để trở thành con ngoan, trò giỏi, tới cái mức mà thậm chí chúng ta trở thành những cái máy học vẹt một cách thụ động mà không hay.
Cả trong công việc lẫn trong học tập, các bạn ít khi dám tư duy phản biện trở lại để tìm ra lỗi sai và khắc phục. Thay vào đó, các bạn cứ mặc nhiên cho rằng điều mà đối phương nói là chính xác. Nếu bạn muốn thực sự thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, hãy bắt đầu rèn luyện cách tư duy phản biện hoặc học các khóa kỹ năng tư duy phản biện ngay từ bây giờ. Hãy bắt đầu tập thói quen đặt những câu hỏi chẳng hạn như: “Vì sao lại như vậy?” “Có cách tiếp cận nào thay thế cho cách tiếp cận này hay không?” “Người ta lập luận như vậy dựa trên góc nhìn nào? Nếu nhìn theo khía cạnh khác thì nó có còn là như vậy không?” “Điều mà người này nói đã chính xác chưa? Đã thỏa đáng chưa? Có chỗ nào chưa hợp lý, hay có chỗ nào có thể cải thiện không?”. Thậm chí những câu hỏi điên rồ kiểu như “Vì sao A lại phải là A mà A không phải là B?” có khi lại là khởi nguồn của những sáng kiến vĩ đại. Vì thế, hãy không ngừng rèn luyện cho mình cách tư duy phản biện để có thể thành công hơn trong tương lại và…không ngừng mơ về những điều lớn lao, bạn nhé!
2. Kỹ năng THÍCH NGHI VỚI SỰ THAY ĐỔI
Cuộc sống con người là một chuỗi các sự thay đổi. Khi đi học, nếu không thích nghi với lớp học, thầy cô, sách vở, bạn sẽ nhanh chóng bị thụt lùi. Khi đi làm, nếu không mau chóng nắm bắt công việc, thích nghi với đồng nghiệp và quản lý, bạn sẽ không thể là một nhân viên nổi trội. Khi là một nhà kinh doanh, nếu không thích nghi với sự thay đổi của thị trường, tâm lý và hành vi khách hàng, sự thay đổi về công nghệ số và các hình thức marketing cùng những chiêu thức bán hàng kiểu mới, bạn sẽ chẳng mấy chốc trên bờ vực phá sản. Khi ra nước ngoài, nếu không thích nghi với nền văn hoá mới, bạn sẽ sớm co mình lại trong cái vỏ bọc của nền văn hoá nơi mình tới mà chẳng thể mở lòng, học hỏi, hay trải nghiệm được gì mấy. Vì vậy, hãy học kỹ năng thích nghi với sự thay đổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hãy luôn ở trong tâm thế sẵn sàng ứng biến với một môi trường mới. Hãy luôn làm mới bản thân và trau dồi các kỹ năng mềm để không bị “shock” trong những môi trường mới lạ. Học cách kết bạn, cách để giao tiếp kết nối cùng với nhiều người với các tính cách khác nhau hay thậm chí đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Và cuối cùng, hãy mở lòng và đón nhận những sự thay đổi như một phần tất yếu của cuộc sống, để giúp bạn trưởng thành.
3. Kỹ năng GIAO TIẾP – THUYẾT TRÌNH
Thành thạo kỹ năng giao tiếp để thành công
bạn phải biết cách truyền đạt ý tưởng của mình một cách chính xác, rành mạch, rõ ràng. Nếu mục tiêu của bạn là thành công nho nhỏ và ổn định với một công việc như kỹ sư hay thiết kế, bạn thậm chí vẫn phải giao tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, vẫn phải biết cách trình bày được ý tưởng, quy trình và sản phẩm của mình. Còn nếu tham vọng của bạn là trở thành một nhà lãnh đạo tài ba hay vĩ đại hơn, một người có thể thay đổi thế giới, đương nhiên bạn sẽ phải là một người có khả năng giao tiếp và thuyết trình xuất chúng. Bạn phải là người nói được cả “tâm gan” của mình tới xúc động lòng người, bạn phải nói được cả mong muốn của người nghe trước khi họ kịp hiểu mong muốn của chính họ, để làm họ khâm phục, quy thuận, và có thể cùng bạn làm những điều vĩ đại.
Nâng cao kỹ năng thuyết trình
Ngoài kỹ năng giao tiếp thì kỹ năng thuyết trình (thực ra là hai kỹ năng riêng biệt nhưng ở đây gộp luôn làm một) là kỹ năng sống còn trong bất kỳ môi trường nào để bạn có thể đạt tới một mức thành công nhất định. Tuy thế, ở trên ghế nhà trường, thậm chí là trường Đại học, người ta cũng chẳng mấy khi dạy cho bạn kỹ năng này một cách bài bản. Có may mắn thì bạn sẽ được thuyết trình vài lần trên lớp trong suốt cả mấy năm Đại học, và chỉ có như vậy thôi! Khi đi làm, khả năng cao là bạn vẫn lắp bắp khi trình bày một ý tưởng mới, và vẫn run run khi phải đứng nói chuyện trước bao nhiêu người. Ở nền giáo dục kiểu phương Đông này có lẽ là như vậy đó, người ta vì không chú trọng tới kỹ năng mềm nhiều, cho nên khả năng giao tiếp (và cả thuyết trình) của giới trẻ đa số là yếu kém. Nếu bạn thấy ai có khả năng giao tiếp và thuyết trình giảo hoạt, thì chắc chắn người đó đã phải qua một quá trình tự ý thức và tập luyện khá lâu. Và bạn cũng có thể trở thành một người năng động với sự ứng biến giao tiếp linh hoạt và khả năng thuyết trình thu hút xuất chúng, nếu bạn luyện tập kỹ năng này từ hôm nay. Hãy tham gia các khoá học, đọc thêm các cuốn sách, xem các video (Ted talks chẳng hạn) để có thể trau dồi thêm kỹ năng mềm quan trọng này. Và đừng quên, hãy tận dụng mọi cơ hội có thể thực hành kỹ năng này nhé. “Fake it till you become it” Hãy vờ như bạn chẳng hề ngại ngùng, chẳng hề lúng túng, cũng chẳng hề run rẩy khi phải nói ra những suy nghĩ, những ý tưởng của riêng mình, kể cả những điều…kỳ quặc và điên rồ…bạn nhé 😉
4. Kỹ năng học THÀNH THẠO ÍT NHẤT MỘT NGOẠI NGỮ
Mình vẫn luôn khuyên các bạn trẻ, đặc biệt khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rằng hãy luôn cố gắng thành thạo tối thiểu một ngoại ngữ. Học ngoại ngữ để tầm nhìn của bạn đi xa hơn khỏi những gì bạn được dạy trong sách giáo khoa. Học ngoại ngữ để giao tiếp với mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Học ngoại ngữ là để biết tự mình xoay sở, tự mình trải nghiệm khi ra nước ngoài. Học ngoại ngữ là để mở rộng tâm hồn và tri thức, để đón nhận những tư tưởng mới mà nếu không biết thứ ngôn ngữ đó, bạn sẽ chẳng thể nào tiếp cận hay hiểu hết được. Tóm lại, một ngoại ngữ rất cần thiết cho sự thành công trong sự nghiệp của bạn cũng như việc nuôi dưỡng tâm hồn, tri thức, tầm nhìn của bạn. Vì vậy, khi còn có thời gian và đủ sự tập trung, hãy cố gắng quyết tâm học cho thành thạo một ngoại ngữ. Tiếng Anh có thể là sự lựa chọn hàng đầu như một thứ ngôn ngữ toàn cầu giúp bạn giao tiếp với hầu hết bất cứ ai từ bất cứ Quốc gia nào, nhưng cũng đừng vì thế mà bó buộc bạn vào một môn ngoại ngữ duy nhất. Bạn hoàn toàn có thể chọn tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Hàn,… Đừng giới hạn bản thân, hãy học bất cứ thứ ngoại ngữ nào đủ thu hút bạn. Và như mình vẫn thường nói, học tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào đều gian nan và đòi hỏi sự kiên trì cao. Vì vậy, hãy cố gắng trên 100% khả năng của bạn cho tới khi thành thạo, đừng từ bỏ.
5. Kỹ năng về IT TỐI THIỂU
Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay mà bạn lại mù tịt công nghệ, chẳng hạn như không biết cách sử dụng Powerpoint, cách chia sẻ dữ liệu qua Google Drive, hay thậm chí không biết cách download một video trên mạng về thì..xin chia buồn! Bạn đã chính thức tụt về phía sau trong cuộc hành trình mang tên cuộc sống hiện đại. Những kĩ năng công nghệ cơ bản, hay thậm chí chỉ là tin học văn phòng thôi, cũng là một yêu cầu bắt buộc cho giới trẻ. Ngoài ra, các kỹ năng IT mà bạn trau dồi được sẽ luôn là điểm cộng trong CV của bạn khi tham gia thị trường lao động. Nếu có đủ thời gian rảnh để lướt Facebook, thay vào đó hãy luyện tập thành thạo (tốt nhất bạn nên tham gia các khoá học) tin học văn phòng, hay thậm chí bạn có thể học những thứ phức tạp hơn như Photoshop, đồ hoạ, làm video chẳng hạn. Bạn sẽ không thể ngờ tới vào một ngày đẹp trời nào đó, các kỹ năng IT này lại thậm chí có thể giúp bạn phát hiện ra các ý tưởng sáng tạo hay mở ra các cơ hội kinh doanh mới lạ! Vậy ngay từ bây giờ, đừng lười biếng mà không trau dồi các kiến thức IT nhé. Hãy trở thành một trong những người đi đầu trong thời đại công nghệ số này.
6. Kỹ năng QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
“Học cách tiêu tiền trước khi học cách kiếm tiền” – Câu nói này một phần nào đó khá đúng. Khi không biết “tiêu tiền” cho đúng cách, hẳn là bạn sẽ chẳng thể có một cuộc sống khấm khá sau này. Ở trường Đại học, thậm chí các trường dạy Kinh tế, có vẻ như người ta không dạy cho bạn cách quản lý tài chính cá nhân. Vì vậy, bạn cần bắt đầu tự học cách quản lý và sử dụng túi tiền của mình (dù là số tiền rất ít ỏi hàng tháng), để sau này có thể đảm bảo một tương lai mà bạn biết dùng đồng tiền cho đúng cách.
Tham gia các khóa học phân tích tài chính
Nếu bạn ghiền bộ môn này hãy tham gia các khóa học về làm giàu, về phân tích thị trường, tiền tệ. Nó sẽ rất hữu ích cho bản thân bạn về sau nhiều lắm đấy.
Tuy nhiên, thực tế là – rất nhiều bạn – đặc biệt là các bạn sinh viên – khi vừa rời khỏi vòng tay bảo bọc của gia đình lên thành phố lớn thì lập tức nhận ra: Mình không biết tiêu tiền như thế nào! Đầu tháng thì quần áo trà sữa, cuối tháng thì phải húp mì tôm. Việc cẩu thả trong tiền bạc không chỉ dẫn đến lãng phí, thiếu trước hụt sau, mà còn chứng tỏ bản thân bạn là người không có đầu óc tổ chức, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm với đồng tiền. Hãy học cách quản lý tài chính cá nhân từ ngày hôm nay, đọc các cuốn sách hướng dẫn, hoặc tham gia các khoá học kỹ năng quản lý tài chính, và điều quan trọng hơn cả là áp dụng ngay những điều bạn học vào cách chi tiêu hàng ngày, cách tiết kiệm, và cách sử dụng đồng tiền để tái đầu tư dù những khoản rất nhỏ. Nếu khi còn đi học, bạn đã là một người biết sử dụng đồng tiền đúng lúc, đúng chỗ một cách thoả tháng, sau này khả năng thành công của bạn sẽ cao gấp nhiều lần, dù là bạn làm trong lĩnh vực gì đi nữa.
7.Kỹ năng TỪ CHỐI – BIẾT NÓI “KHÔNG”
Kỹ năng từ chối đương nhiên cũng không ai dạy bạn trên trường lớp cả. Có lẽ vì không được học và rèn luyện, nên hầu hết chúng ta, những người trẻ, thường xuyên rơi vào cái bẫy của “Sự bận rộn giả”. Sự bận rộn này xuất phát từ việc bạn không biết từ chối những lời mời, những yêu cầu, hay cả những sự nhờ vả. Những lời mời mọc tới các cuộc vui liên miên, nếu chưa biết cách từ chối, khiến bạn đốt rất nhiều thời gian mà không hay. Hãy nói không với những lời mời mọc vui chơi vô bổ đó, vì tuổi trẻ chưa phải là để hưởng thụ! Và những sự nhờ vả, nếu không phải là “không có bạn người ta không làm được”, hoặc nếu không quá cấp bách, hãy học cách nói không. Hãy chấp nhận rằng thời gian của bạn là hữu hạn, và phải bạn cần biết phân bổ nó cho những việc cần. Luôn luôn với tâm thế: nói “không” khi bạn cảm thấy một việc làm là không đủ quan trọng, không đủ cần thiết, hoặc nó khiến bạn mất sự tập trung cho một việc khác quan trọng hơn. Thậm chí, hãy nói không với quá nhiều những ý tưởng mới, dù nó có hay ho tới mấy nhưng bạn cảm thấy rằng nó làm bạn không thể tập trung vào việc hiện tại quan trọng mà bạn cần hoàn thành. Nói không trong các tình huống bạn thấy việc bạn định làm không tạo ra giá trị gì thực sự, hoặc đơn giản là không làm bạn cảm thấy vui vẻ. Và nên nhớ, bạn không có nhiệm vụ làm vừa lòng tất cả mọi người, do đó đừng vội vã gật đầu chỉ vì sự nể nang. Hãy nói “Không” một cách lịch sự, và giải thích cho họ biết vì sao bạn không thể làm việc đó.
Đừng phí thời gian của bạn chạy theo cuộc sống của một ai khác và đừng phí thời gian làm những việc tự bạn cũng cho rằng “chẳng để làm gì”!
8.Trau dồi kỹ năng TƯ DUY SÁNG TẠO
Trong thời đại công nghệ số này, nếu bạn không ngừng suy nghĩ theo cách mới, tìm tòi những điều khác biệt, thì bạn sẽ luôn là người đi sau. Những người thành công vượt bậc là những người dám nghĩ khác đi, và không ngừng tìm ra những cái mới. Khi chúng ta có kỹ năng tư duy sáng tạo, ta có xu hướng nhìn nhận mọi việc từ nhiều góc độ khác nhau, và những kết quả đạt được cũng ấn tượng hơn. Vì thế, hãy trở thành một trong những người thành công dẫn đầu, với tư duy đột phá và những cách thức suy nghĩ kiểu mới. Đừng cho rằng sáng tạo là điều gì đó quá viển vông xa xôi, cũng đừng cho rằng sáng tạo là “năng khiếu” và bạn sẽ chẳng thể nào học được. Sáng tạo, thực ra rất đơn giản như thế này: với mỗi điều bạn nghĩ, với mỗi việc bạn làm, hãy “bóp méo” nó một chút – nhìn theo một góc nhìn khác, nghĩ nó theo một cách khác đi một chút, để cái kết quả bạn nhìn thấy, cũng sẽ là một điều khác. Đừng chỉ mãi bó buộc bản thân mình vào trong một vòng tròn có sẵn. Hãy thử ”think outside the box”. Mỗi khi được giao một nhiệm vụ, các bạn hãy thử suy nghĩ: “Làm thế nào để mình biến nó trở thành một chủ đề hấp dẫn hơn? Có video clip hay hình ảnh nào phù hợp để minh họa nó không? Mình nên làm theo kiểu thuyết trình hay kiểu đóng kịch?” Những câu hỏi tư duy nho nhỏ ấy sẽ là bàn đạp giúp bạn trở nên sáng tạo hơn trong cuộc sống. Và cũng giống như các kỹ năng khác, khả năng sáng tạo cũng cần được rèn luyện qua thời gian. Quan trọng là, bạn đừng xem nhẹ nó đối với sự thành công và tương lai của mình. Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn là một người có óc sáng tạo vượt bậc, liệu có nhà tuyển dụng nào không muốn thu hút bạn? Nếu bạn là người luôn nghĩ ra cái mới, có lẽ nào bạn lại không thể sáng tạo ra một Apple thứ hai? Nói dễ hơn làm, nhưng không gì là không thể 🙂 Vì vậy, hãy rèn luyện tư duy sáng tạo ngay từ hôm nay, bạn nhé!
Hoang Hiep Dong chúc các bạn có một tuổi trẻ đáng để sau này kể lại 🙂